Làm thế nào tránh nhiễm biến thể nCoV?

Biến thể mới lây lan nhanh, các chuyên gia thế giới khuyến cáo người dân tăng gấp đôi các biện pháp phòng ngừa.

Ngày 28/1, giới chức Nhật Bản thông báo kết quả giải trình tự gene của cô gái 32 tuổi nhập cảnh từ Việt Nam dương tính với nCoV, nhiễm biến thể Anh (B.1.1.7). Sự xuất hiện của các biến thể tại ít nhất 70 quốc gia một lần nữa nhắc nhở thế giới về cuộc chiến chống dịch kéo dài.

B.1.1.7 xuất hiện lần đầu ở Anh, có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 70% so với trước đó. Biến thể đã chiếm ưu thế trong các ca nhiễm ở Pháp. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cũng dự đoán B.1.1.7 có thể trở thành nguồn lây chính vào tháng 3.

Do một số thay đổi trong protein gai, biến thể dễ dàng bám vào tế bào hơn. Bệnh nhân thải ra lượng virus lớn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh trong khoảng thời gian ngắn. Nathan D. Grubaugh, giáo sư trợ lý, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Đại học Yale, cho biết: “Chưa rõ về cơ chế khiến biến thể dễ lây lan hơn. Có thể khi mắc bệnh, bạn thở ra nhiều virus hơn”.

Để tự bảo vệ khỏi các biến thể mới, người dân cần áp dụng đầy đủ những biện pháp phòng ngừa trước đây. Về cơ bản, đường lây của B.1.1.7 không đổi. Virus dễ lan truyền trong không gian kín, đông người. Các loại khẩu trang hai lớp, khẩu trang N95 hoặc 3M vẫn là công cụ hiệu quả để ngừa nhiễm bệnh. Người dân nên tránh tụ tập thành đám đông, giữ khoảng cách ít nhất 2 m, rửa tay thường xuyên và không chạm vào da mặt.

“Điều đầu tiên cần lưu ý: đây không phải một loại virus khác. Tất cả những kinh nghiệm của chúng ta đối với nCoV trước đó vẫn được áp dụng. Biến thể này không lây truyền một cách kỳ diệu qua những con đường khác”, tiến sĩ Ashish K. Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Brown, nhận định.

Chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân nhà máy Poyun ở Chí Linh, Hải Dương, sáng 28/1.

Sau nhiều tháng chung sống với đại dịch, người dân toàn cầu chủ quan, buông lỏng các biện pháp y tế. Một số trở về với thói quen đi ăn tại nhà hàng, thậm chí gặp gỡ bạn bè nhiều hơn thời điểm trước khi phong tỏa. Song sự lây lan nhanh chóng của biến thể đồng nghĩa thế giới cần tăng gấp đôi các biện pháp chống dịch trong vòng vài tháng tới, theo ông Jha.

Linsey Marr, giáo sư tại trường Đại học Virginia Tech, cho biết: “Càng nghe nhiều về các biến thể mới, tôi càng lo lắng hơn. Giờ không phải lúc để bất cẩn hay mắc lỗi khi phòng dịch, dù trước đây chúng ta có thoát được virus trót lọt đi chăng nữa”.

Theo các chuyên gia, người dân nên giảm tần suất đi chợ hoặc siêu thị, ví dụ từ hai hoặc ba lần một tuần xuống còn một lần một tuần. Khi thấy cửa hàng quá đông khách, người dân có thể quay lại sau hoặc sử dụng các dịch vụ mua đồ trực tuyến.

“Các biến thể mới khiến tôi cân nhắc về việc giảng dạy trực tiếp, có thể phải dùng khẩu trang và dạy ở nơi thoáng khí. Tôi cũng lo ngại hơn khi phải lên máy bay”, ông Marr nói.

Các chuyên gia lạc quan một cách thận trọng rằng thế hệ vaccine đầu tiên vẫn hiệu quả chống lại biến thể mới. Đầu tháng này, Pfizer và BioNTech thông báo các liều tiêm hoạt động tốt khi gặp những đột biến quan trọng của biến thể.

Tỷ lệ nhiễm biến thể mới của trẻ em tương đương ban đầu. Một nghiên cứu cho thấy chúng chỉ có khả năng lây truyền virus bằng một nửa ngừa lớn. Dù đây là tin tốt, tính chất dễ lây lan của B.1.1.7 có thể khiến nhiều trẻ mắc bệnh hơn.

Đối với những người từng mắc Covid-19, hầu hết chuyên gia cho rằng cơ thể sẽ sản sinh miễn dịch tự nhiên chống tái nhiễm, song chưa rõ kháng thể sẽ kéo dài bao lâu. Biến thể lưu hành ở Brazil và Nam Phi dường như lẩn tránh được những kháng thể này.

Theo NY Times