Dấu hiệu ung thư đại tràng

Bệnh nhân ung thư đại tràng có xu hướng trẻ hóa, triệu chứng ban đầu là chảy máu trực tràng, hậu môn táo bón, phát hiện thì tỷ lệ khỏi lên đến 94%.

Ngày 28/8, nam diễn viên Chadwick Boseman, vai chính trong bộ phim Black Panther, qua đời vì ung thư đại tràng. Sự ra đi ở tuổi 43 của anh khiến nhiều người quan tâm hơn căn bệnh này.

Ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai tại Mỹ. Tỷ lệ này đang tăng lên ở người trẻ.

Phần lớn bệnh được phát hiện ở người già, song lượng bệnh nhân trẻ tuổi đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Người trên 65 tuổi, tỷ lệ ung thư đại tràng, bao gồm cả khối u trong trực tràng và ruột kết, thậm chí giảm do tầm soát thường xuyên hơn. Tuy nhiên, ung thư đã tăng khoảng 20% ở người dưới 50 tuổi, theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Các chuyên gia hiện chưa chắc chắn về nguyên do. Đối với một số bệnh nhân, các bệnh nền như béo phì, tiểu đường, thói quen hút thuốc hoặc tiền sử ung thư của gia đình là nguồn cơn chính. Song không phải tất cả người phát triển khối u đều có những yếu tố này.

Nam diễn viên Chadwick Boseman trong buổi ra mắt phim Black Panther năm 2018, qua đời hôm 28/8 vì ung thư trực tràng. Ảnh: AP.

“Vấn đề là chúng tôi vẫn chưa biết rõ”, Tiến sĩ Robin B. Mendelsohn, đồng giám đốc Trung tâm Ung thư Đại trực tràng Khởi phát Sớm tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, nhận định. Đây là cơ sở chuyên điều trị cho các bệnh nhân ung thư nhỏ tuổi. Bà và các đồng nghiệp đã tiến hành tìm hiểu chế độ ăn uống, các loại thuốc kháng sinh và hệ sinh thái – vốn đã thay đổi đáng kể sau năm 1960, có góp phần gây bệnh ung thư ở người trẻ tuổi hay không.

Khi nào nên khám sàng lọc?

Hiệp hội Ung thư Mỹ và các nhóm chuyên gia khuyến nghị người dân nên bắt đầu tầm soát ở tuổi 45. Những người có tiền sử gia đình mắc ung đại tràng nên xét nghiệm khi vừa 40, hoặc sớm hơn 10 năm so với độ tuổi mà người nhà của họ được chẩn đoán.

Tiến sĩ Mendelsohn cũng cho rằng người mắc viêm ruột, loét tá tràng, đại tràng, bệnh Crohn (viêm không đặc hiệu) và những người từng xạ trị vùng bụng, xương chậu nên tiến hành tầm soát sớm.

Quá trình sàng lọc có thể bao gồm các xét nghiệm khác nhau, dựa trên mẫu phân hoặc hình ảnh nội soi ruột kết. Rủi ro từ các lần kiểm tra tương đối nhỏ. Ưu điểm của chúng là có thể phát hiện polyp (dạng tổn thương hình dáng giống khối u) đại tràng là lành tính hay ác tính, theo ông Mohamed E. Salem, phó giáo sư y khoa tại Viện Ung thư Levine tại Trung tâm Y tế Atrium Health. Ông nhấn mạnh việc tầm soát sớm hay muộn quyết định khá nhiều đến tiên lượng của bệnh nhân.

Rebecca L. Siegel, giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết: “Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người trẻ tuổi bị ung thư giai đoạn đầu là 94%. Đối với người mắc bệnh ở giai đoạn muộn, con số này có thể thấp tới 20%”. Bà gọi chẩn đoán sớm là yếu tố đưa người bệnh khỏi “ranh giới sự sống và cái chết”.

Bệnh ung thư có ảnh hưởng khác nhau ở mỗi chủng tộc?

Theo báo cáo gần nhất của Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ mắc ung thư trực tràng ở người da đen cao hơn. Từ năm 2012 đến 2016, số ca mắc mới ở người da màu (không phải gốc Tây Ban Nha) là 45,7ca/100.000 người, cao hơn khoảng 20% so với người da trắng, hơn 50% so với người Mỹ gốc Á – Thái Bình Dương.

Bà Siegel cũng nhận định người Mỹ gốc Phi ở mọi lứa tuổi có nguy cơ tử vong vì ung thư đại tràng cao hơn mặt bằng chung tới 40%.

“Đó là do chẩn đoán muộn, sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và tất cả yếu tố khác mà công dân tại đây phải đối mặt trong hàng trăm năm”, bà nói.

Ảnh qua kính hiển vi của một tế bào ung thư đại tràng đang phân chia. Ảnh: Science

Triệu chứng ban đầu của ung thư đại tràng

Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm phân có máu hoặc chảy máu từ trực tràng. Những dấu hiệu liên quan khác có thể kể đến táo bón, tiêu chảy, thay đổi thói quen đại tiện, phân sẫm màu, cảm thấy mệt mỏi do thiếu máu, đau hoặc co thắt phần bụng, buồn nôn, nôn mửa và sụt cân không rõ nguyên nhân.

“Nếu phát hiện điều bất thường, bạn phải chú ý đến nó. Đừng bỏ qua nó chỉ vì bận rộn hoặc chủ quan rằng mình còn trẻ”, giáo sư Salem nói.

Người trẻ ngần ngại khi nói về ung thư

Trên thực tế, ung thư là một chủ đề mà nhiều người trẻ tuổi tại Mỹ hoặc nhiều nơi trên thế giới ngại nhắc đến. Tiến sĩ Siegel cho biết, thời gian trung bình kể từ khi có triệu chứng đến lúc được chẩn đoán ở người dưới 50 tuổi là 271 ngày, lâu hơn rõ rệt so với con số 29 ngày ở những bệnh nhân 50 tuổi trở lên.

“Cả bác sĩ và người bệnh đều không nghĩ đến khả năng ung thư. Họ thường chỉ sàng lọc một phần, thay vì tổng thể. Triệu chứng của các bệnh nhân trẻ đôi khi kéo dài nhiều năm. Có điều, họ ít khi có bảo hiểm y tế như người lớn tuổi, khả năng chi trả cũng hạn chế hơn. Họ thường có tư tưởng ‘Tôi mới 30 tuổi, điều này sẽ qua thôi’”, bà nói.

Các triệu chứng của ung thư đại tràng như chảy máu hậu môn cũng là điều xấu hổ đối với những người trẻ,

“Họ không thích thảo luận hay tiết lộ thông tin đó. Điều này dễ hiểu. Chúng tôi có nghĩa vụ thay đổi văn hoá ấy. Bạn cần nói lên cơn đau của mình, hay tình trạng chảy máu ở khu vực đó, cả triệu chứng táo bón hoặc tiêu chảy”, bà nhấn mạnh.

(Theo NY Times)

Thuốc giảm đau làm chảy máu dạ dày người bệnh tim mạch

 

Bà Ninh, 53 tuổi, ở Bến Tre, bị bong gân nên tự mua thuốc giảm đau uống, sau đó nôn ra máu, xuất huyết dạ dày.

Dược sĩ Nguyễn Thị Trang, khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Saigon, ngày 25/8 cho biết, bệnh nhân vào viện khám, tường thuật bốn ngày trước bà đến hiệu thuốc mua thuốc giảm đau celecoxib uống trị sưng đau và bong gân ở mắt cá chân. Khi đó, bà cũng đang điều trị tăng huyết áp và rung nhĩ (một bệnh tim mạch) bằng thuốc bisoprolol 5 mg và rivaroxaban 20 mg. Khi mua thuốc giảm đau, bà không thông báo với dược sĩ biết mình đang dùng thuốc trị bệnh tim mạch.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nghi do thuốc giảm đau celecoxib. Bà ngưng celecoxib và dùng thuốc kháng đông. Sau khi nội soi cầm máu và điều trị nội khoa, tình trạng bệnh nhân mới ổn định, được xuất viện. Các bác sĩ cho biết bà Ninh đang điều trị bệnh tim mạch với thuốc kháng đông là rivaroxaban, có nguy cơ gây xuất huyết. Trong khi đó, thuốc giảm đau bà tự ý mua và sử dụng là celecoxib lại có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày và nặng hơn là có thể chảy máu dạ dày.

Việc kết hợp hai thuốc như vậy làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Trường hợp này, nếu bệnh nhân trao đổi kỹ với bác sĩ, dược sĩ thì có thể giảm đau không dùng thuốc, như chườm đá chỗ bong gân. Hoặc, nếu đau nhiều thì dùng paracetamol trước.

Theo dược sĩ Trang, thuốc celecoxib mà bệnh nhân dùng thuộc nhóm NSAID. Đây là nhóm các thuốc giảm đau kê đơn, dùng cho các cơn đau khi viêm, thoái hóa khớp… Do tác dụng phụ xấu đến tiêu hóa, bác sĩ thường kê liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Sử dụng thuốc nhóm NSAID có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận cấp và các biến cố trên tim mạch. Đặc biệt, phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 thai kỳ là đối tượng chống chỉ định dùng NSAID, vì nguy cơ tổn thương thận, tim, phổi có thể gây tử vong cho thai nhi.

Các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol (OTC), dành cho các cơn đau nhẹ, được các bác sĩ đánh giá khá an toàn. Tuy nhiên, nhóm thuốc này vẫn có tác dụng phụ. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị ngộ độc paracetamol do dùng không đúng cách, dẫn đến suy gan cấp, đe dọa đến tính mạng.

Nhóm opioid, là thuốc giảm đau mạnh nhất thuộc nhóm thuốc kê đơn. Nổi bật nhất là morphin, fentanyl, tramadol, được bác sĩ kê điều trị cho bệnh nhân ung thư, đau sau mổ. Tác dụng phụ rõ rệt nhất của nhóm này là buồn nôn, táo bón, lệ thuộc thuốc. Nếu tuân thủ điều trị, được giám sát y tế sát sao, hiệu quả giảm đau tốt, chất lượng cuộc sống người bệnh được cải thiện. Tuy nhiên, người bệnh có thể nghiện thuốc, ức chế hô hấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu dùng không đúng chỉ định.

“Sử dụng thuốc giảm đau như con dao hai lưỡi, nếu không sử dụng hợp lý sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng”, dược sĩ cảnh báo.

Dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang, Trưởng khoa Dược, thông tin thêm, tình trạng người bệnh tự mua thuốc giảm đau, tự quyết định liều sử dụng hiện nay rất phổ biến. Một số người ngại đi tái khám định kỳ mà tự mua thuốc giảm đau theo đơn thuốc cũ. Thực tế, tình trạng bệnh thường diễn biến khác nhau theo thời gian, cần được bác sĩ điều chỉnh lại thuốc để đảm bảo hiệu quả, hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể gặp phải.

Dược sĩ Đoan Trang khuyên khi dùng thuốc giảm đau phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị… để giúp dược sĩ lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh không được tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc hay tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hoặc ngưng thuốc đột ngột.

Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên chủ động kiểm tra thành phần hoạt chất trên bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng để tránh nguy cơ quá liều, do uống nhiều thuốc cùng một lúc. Người bệnh biết các chống chỉ định, liều dùng tối đa, tác dụng phụ có thể xảy ra để cân nhắc sử dụng.

 

Thói quen ăn tối muộn khiến tôi phải trả giá đắt: Ung thư dạ dày lơ lửng treo trên đầu, tinh thần mệt mỏi, sức khoẻ suy kiệt vì mất ngủ…

 

Cơ quan nội tạng trong cơ thể người hoạt động là có chu kỳ hay còn gọi là nhịp sinh học. Khi bạn có thói quen lệch với chu kỳ sinh học tự nhiện, hoặc làm đảo lộn chúng thì liền tăng nguy cơ bệnh tật.

TS. Manolis Kogevinas thuộc Viện Y tế Toàn cầu Barcelona chỉ rõ, nếu một người ăn tối muộn và đi ngủ ngay sau đó thì thức ăn sẽ không được chuyển hóa và họ sẽ khó có giấc ngủ ngon, và nó làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.

Chỉ cần bạn ăn tối trước 21h hoặc ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 20% so với những người ăn sau 22h hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn đêm. Ngay cả khi bạn lai rai ăn vặt thì cũng không tốt chút nào.

Việc ăn uống lúc đêm khuya sẽ khiến dạ dày không có thời gian nghỉ ngơi, làm cản trở sự phục hồi của niêm mạc dạ dày, lâu ngày gây tổn hại niêm mạc dạ dày, dẫn đến ung thư. Bởi lẽ, các tế bào biểu mô dạ dày cần liên tục tái tạo, khoảng 2 – 3 ngày là hết một chu kỳ sống. Quá trình tái tạo này thường diễn ra vào ban đêm, khi đường tiêu hóa không phải làm việc. Nếu bạn thường xuyên ăn vào ban đêm, niêm mạc dạ dày sẽ không có lúc nào để thực hiện quá trình tái tạo.

Ngoài ra, các thực phẩm chúng ta ăn vào ban đêm tích lại trong dạ dày, sẽ thúc đẩy sự tiết dịch dạ dày, kích thích dạ dày, dẫn đến khả năng miễn dịch bị suy yếu, gây ra các vết loét. Nếu như thực phẩm bạn ăn lại thuộc dạng chiên, nướng, nhiều chất béo, thì những chất gây ung thư bên trong đó còn làm tổn thương dạ dày nghiêm trọng hơn.

Vì công việc bận rộn, nhiều gia đình, đặc biệt là những bạn trẻ sống độc thân thường ăn tối muộn và sau bữa ăn thường đi ngủ luôn. Việc này còn làm tăng nguy cơ viêm dạ dày – trào ngược thực quản. Nếu axit bị trào ngược trong một thời gian dài, nó có thể dần dần phát triển thành các tổn thương tiền ung thư, do đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

– Thứ nhất, sau khi bạn ăn xong, máu ưu tiên dồn xuống dạ dày để co bóp và tiêu hóa thức ăn. Thế nhưng khi bạn đi ngủ ngay khiến mọi hoạt động trong cơ thể ngưng lại, khiến máu dồn về dạ dày không đủ, khiến thức ăn không được tiêu hóa hết trở thành nguồn dinh dưỡng cho những vi khuẩn gây hại tấn công, dần dần gây bệnh cho dạ dày và đường ruột.

Khi dạ dày bị tổn thương, axit không được tiết ra đúng mức để tiêu hóa thức ăn, chức năng co bóp và tiêu hóa đều giảm. Thức ăn không được tiêu hóa ứ lại trong dạ dày, thúc lên van ngăn cách dạ dày với thực quản, làm chiếc “van” này mở ra khiến dịch tiêu hóa và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản.

– Thứ hai, thông thường axit sẽ được sản sinh trong quá trình dạ dày tiêu hóa thức ăn. Nhưng khi vừa ăn xong bạn đã ngủ ngay khiến cho cơ thắt thực quản dưới suy yếu, đóng mở bất thường tạo điều kiện cho axit trào ngược lên ống thực quản, khiến ngực nóng rát, tác động vào vào niêm mạc thực quản gây viêm loét, dần dần biến chứng có thể gây ung thư thực quản. Ung thư thực quản là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trong các ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng.

Sau khi ăn đêm, hệ tiêu hóa phải tăng cường hoạt động tiêu hóa thức ăn khiến chúng ta cảm thấy bụng ấm ách, khó tiêu. Thức ăn bám lại lâu dài trong ruột, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng (ruột kết).

Thêm vào đó, bữa tối muộn còn làm tăng nguy mắc một số bệnh khác như: Đột quỵ, thừa cân, mất ngủ, tiểu đường và cao huyết áp…

Các chuyên gia cho bạn một số lời khuyên dưới dây:

1. Hãy thiết lập chế độ ăn cân bằng giữa 3 bữa theo tỉ lệ sáng – trưa – tối là 30%, 40%, 30%. Cách này sẽ giảm thiểu tối đa các cơn đói cồn cào đến bất ngờ vào ban đêm.

2. Khi cảm thấy muốn ăn đêm, hãy uống nước ấm để làm dịu cảm giác thèm ăn.

3. Không nên mua thức ăn nhanh dự trữ và để gần khu vực chúng ta nằm ngủ.

4. Đánh răng cũng là một phương pháp được nhiều người áp dụng để từ bỏ thói quen ăn khuya thành công.

Nếu do đặc thù công việc bắt buộc phải ăn đêm, hãy chọn những thức ăn nhẹ, thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ấm, nóng để dạ dày làm việc được nhẹ nhàng hơn, ví dụ như: một ly sữa ấm, một bát cháo, một bát súp…

 

55% người Việt bị trĩ: Nguyên nhân là gì?

 

 

Bác sĩ Cường cho biết ông thường xuyên gặp các ca tai biến, di chứng do điều trị bệnh trĩ không đúng cách.

 

Thủng hậu môn 

TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam, cho biết bệnh trĩ hiện nay đang trẻ hóa, nhiều trường hợp học sinh cấp 3 đã bị trĩ. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đó là bệnh nhân lên mạng mua các loại thuốc chữa trĩ vì tin rằng nó hiệu quả với những lời quảng cáo có cánh. Vì thế, bệnh nhân thường gặp những biến chứng nặng nề.

Gần đây nhất là trường hợp 70 tuổi ở Lĩnh Nam, Hà Nội, mua thuốc trên mạng được quảng cáo bôi là chữa khỏi bệnh trĩ. Bệnh nhân bôi được 3 ngày thì phải vào viện cấp cứu và bị hoại tử toàn bộ ống hậu môn, da và niêm mạc hoại tử.

Bác sĩ Cường cho biết khi vào viện, bệnh nhân kể với bác sĩ do sợ phẫu thuật, tự mua thuốc về bôi dù không hiểu là bệnh gì, khi chạm thuốc vào quần khiến thủng luôn cả vị trí thuốc dính vào quần. Bệnh nhân bị  thủng ống hậu môn, không thể tái tạo.

Sau mổ, bác sĩ phải tiến hành nong ngay từ ngày thứ 2, đến gần 2 tháng liên tục thì mới ổn định. Tuy nhiên vấn đề giải quyết hẹp ống hậu môn cũng chỉ đạt 80%. Bệnh nhân đi đại tiện rất khó chịu, khó đi, tổn thương ở đây về hóa chất, nó ngấm dần vào cơ thể gây hậu quả nặng nề.

Trường hợp 2 là ở Quảng Ninh, được một người xưng là bác sĩ người nước ngoài “tiêm dạo” chữa bệnh trĩ, tiêm trực tiếp vào tổn thương gây áp xe nặng nề.

Ảnh minh họa

Theo Bác sĩ Cường, việc điều trị bằng thuốc đắp hay các biện pháp khác người bệnh cần cẩn trọng. Với thuốc nam, hiệu quả trên từng tổn thương nhất định, gần như ít tác dụng phụ. Ví dụ như lá trầu không mà đòi hỏi trĩ độ 4 thì không thể.

Hiện nay, quan điểm của y học hiện đại chia ra có: trĩ nội, ngoại, hỗn hợp

Đông y thì có  thể thấp nhiệt, thể hàn nhiệt tùy từng trường hợp để điều trị chính xác.

Bác sĩ Cường cho biết bệnh trĩ có xu hướng gia tăng, trước đây trên 30 tuổi mới mắc, nhiều ở độ tuổi 60 trở lên nhưng thực tế hiện nay trẻ hóa. Bác sĩ Cường đã khám cho rất nhiều bệnh nhân mới chỉ ngoài 20, thậm chí 15-16 tuổi đang là học sinh cấp 3 đã bị trĩ.

Nguyên nhân bệnh trĩ

Theo bác sĩ Cường bệnh trĩ ở người trẻ đã được xác định nguyên nhân do lối sống. Hiện nay người trẻ có lối sống hiện đại thay đổi cách sống, ngồi nhiều, chế độ ăn nhanh, lười vận động, lười ăn rau xanh… Đây là những yếu tố nguy cơ làm bệnh trĩ trẻ hóa dần.

Theo PGS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh trĩ là do yếu tố ăn uống, lối sống tĩnh tại là chính.

Các yếu tố như khẩu phần ăn thiếu rau xanh, quả chín ảnh hưởng nhiều đến bệnh trĩ. Trung bình cần 400 g rau xanh, 200-300 g quả chín một ngày; nhưng hiện nay trung bình mới 200 g rau xanh/ người trong khi nước ra có nguồn rau xanh rất dồi dào.

Ngoài ra, bác sĩ Lâm cho biết thói quen không đủ nước, trong khi bình thường cần 1,5-2l nước một ngày, mùa hè đến 2,5l/ ngày…

Cơ thể thiếu vitamin D làm táo bón, gây trĩ từ trẻ em đến người lớn, người già tỉ lệ thiếu vitamin D hiện nay vẫn nhiều khoảng 50%.

Để phòng bệnh trĩ, PGS Lâm cho rằng mọi người cần có chế độ ăn giúp ngăn ngừa bệnh trĩ, táo bón, hỗ trợ trong điều trị hiệu quả hơn. Những thực phẩm giảm tình trạng táo bón là những thực phẩm có nhiều chất xơ hoà tan, mồng tơi, rau đay, mướp, ăn quả đậu bắp, luộc xào, các sản phẩm từ sữa có probaiotic có thể uống.

Những người đang có tình trạng táo bón nên ăn sữa chua, uống sữa chua. Uống đủ nước, ăn rau khoai lang, củ khoai lang, khoai tây, sẽ đỡ tình trạng táo bón. Tăng cường vận động xoa bụng,. Giảm thức ăn cay, những thực phẩm như ổi, hồng xiêm khi ăn sẽ tăng trình trạng táo bón.

Bác sĩ Cường cho biết khi thấy các triệu chứng bất thường ở vùng hậu môn, trực tràng điển hình là đau rát, đại tiện ra máu… người bệnh cần chú ý tới khám bác sĩ để có thể điều trị bệnh sớm.

Ngoài bệnh trĩ, dấu hiệu đi đại tiện ra máu có thể là biểu hiện của nhiều bệnh, nên cần thận trọng thăm khám để chẩn đoán xác định bệnh trĩ chính xác, loại trừ các tổn thương khác để điều trị kịp thời.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/55-nguoi-viet-bi-tri-thu-pham-la-gi-258278.html

Dù có dấu hiệu của bệnh trĩ nhưng nhiều người lại hay bỏ qua, đến khi có biến chứng nặng mới đến bệnh viện thăm khám thì đã quá muộn.

 

Căn bệnh ung thư cả nhà mắc: Chuyên gia cảnh báo triệu chứng

Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư phổ biến hiện nay và có nhiều trường hợp cả hai vợ chồng, hai chị em, thậm chí 3 mẹ con cùng mắc bệnh này.

Nhiều người cùng mắc trong gia đình

GS Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết thời gian gần đây số ca mắc ung thư tuyến giáp vào bệnh viện điều trị ngày càng tăng trong đó có nhiều bệnh nhân phát hiện khi tình cờ đi khám bệnh.

Ví dụ trường hợp của hai vợ chồng anh B.Đ.L (47 tuổi, Phú Thọ) đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Qua khám bác sĩ phát hiện cả hai vợ chồng đều có u tuyến giáp. Kết quả chọc sinh thiết có tế bào ác tính.

Vợ chồng anh L. sau đó đã đi khám kiểm tra chéo kết quả ở đơn vị y tế khác. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp bướu keo. Vợ chồng anh L. cùng vào viện và điều trị ung thư tuyến giáp bằng phẫu thuật và i ốt phóng xạ.

Em N.N.V và N.N.A 18 tuổi, trú tại Hà Nội, là hai chị em sinh đôi. N.A có biểu hiện nuốt nghẹn, có bướu ở cổ. Em được mẹ đưa đi khám bệnh và được chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Bác sĩ tư vấn nên sàng lọc tuyến giáp với các thành viên khác. Kết quả, em N.V em gái của N. A cũng bị ung thư tuyến giáp. Hai chị em đã vào viện điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Trường hợp của N.T.H.T, 32 tuổi, trú tại Hà Nội, cũng nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai vì khám sức khỏe tình cờ phát hiện u tuyến giáp. Kết quả xét nghiệm tế bào học tuyến giáp là ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân được nhập viện để điều trị.

Sau khi chị T. phẫu thuật và điều trị, mẹ và em trai của bệnh nhân cũng đã đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai và cũng phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú khi chưa có các biểu hiện bất thường về mặt lâm sàng.

GS Mai Trọng Khoa cho biết, qua trường hợp này nói lên sự tiến triển của ung thư tuyến giáp thường rất âm thầm, các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, đôi khi phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe.

Việc gia đình đã có người bị ung thư tuyến giáp thì các thành viên còn lại nên khám kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ tầm soát phát hiện sớm bệnh. Bệnh sau khi được điều trị kịp thời thường có tiên lượng tốt, việc đánh giá lại hiệu quả của điều trị I-131 bằng sử dụng xạ hình toàn thân với I-131, Tg và AntiTg sau điều trị là rất quan trọng.

BS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân.

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, Bệnh viện Đa khoa An Việt, ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp trong các bệnh ung thư của tuyến nội tiết, bệnh chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung.

Theo số liệu của GLOBOCAN 2018, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao, theo thống kê bệnh đứng hàng thứ 9 với 5.418 ca mới mắc, 528 ca tử vong mỗi năm. Ung thư tuyến giáp được chia làm hai nhóm mô bệnh học khác nhau về lâm sàng, phương pháp điều trị và tiên lượng là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.

PGS An cho biết ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, thường được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát.

Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là có khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt, người bệnh bị khàn tiếng, khó thở. Thêm triệu chứng nữa đó là có thể nổi hạch cổ, hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

PGS An lưu ý khi đứng trước gương mọi người cũng có thể nhìn thấy các dấu hiệu của ung thư tuyến giáp. Ví dụ, với đàn ông thường phát hiện khối u khi cạo râu, phụ nữ có thể nhận ra sự thay đổi ở cổ khi trang điểm. Nếu phát hiện có một khối u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu thì có thể theo dõi thêm. Nếu khi nuốt nước bọt, khối u di chuyển lên xuống có thể là lành tính còn các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt.

Để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp, PGS An khuyến cáo người dân nên có thói quen kiểm tra sức khoẻ và siêu âm tuyến giáp định kỳ hàng năm để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp. Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp thì việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn, người bệnh có cơ hội khỏi bệnh tới 95 %.

Con 6 tuổi vào viện cấp cứu, bố mẹ mới biết con viêm dạ dày vì kiểu ăn uống này

Viêm loét dạ dày, tá tràng thường gặp ở người lớn nhưng không ít trẻ nhỏ mới vài tuổi đã nhập viện vì thủng, loét dạ dày. Chuyên gia cho rằng, điều này xuất phát từ những thói quen sinh hoạt, ăn uống mà nhiều cha mẹ đang áp dụng cho trẻ.

Mới 6 tuổi đã loét dạ dày

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã cấp cứu cho bệnh nhi 6 tuổi trong tình trạng đau bụng, sốt, đi ngoài phân đen. Trước khi vào viện cháu bị chướng bụng, nôn nhiều, liên tục kêu đau khắp bụng. Vào viện chụp CT cắt lớp, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, chỉ định phẫu thuật nội soi. Khi phẫu thuật cho thấy tá tràng của trẻ có ổ loét đã thủng, nhiều dịch ổ bụng và giả mạc. Bác sĩ đã khâu lỗ thủng, rửa sạch, dẫn lưu ổ bụng và tiếp tục điều trị nội khoa dạ dày để tránh biến chứng bục, loét, chảy máu dạ dày…

Một bệnh nhi 6 tuổi khác ở Hà Nội trước đó đã được các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108 cắt 2/3 dạ dày. Bệnh nhi có vết loét lớn ở hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị khiến ăn không tiêu. Theo lời kể của gia đình, mấy tháng trước bé thường kêu đau bụng nhưng gia đình nghĩ đau bụng giun nên mua thuốc uống. Tình trạng không đỡ, bé đau nhiều hơn, ăn vào là nôn nên gia đình đưa đi viện. Gia đình không thể nghĩ con còn nhỏ đã bị loét tá tràng như vậy.

Theo BS Bùi Đức Duy, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), thủng ổ loét dạ dày, tá tràng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, người có tiền sử bệnh dạ dày. Đây là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh loét và có thể nguy hiểm tính mạng nếu như không được xử lý kịp thời.

Ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi tỷ lệ bị bệnh loét dạ dày, tá tràng tương đối ít. Nhưng nếu trẻ mắc thường lại nguy hiểm hơn vì rất hay nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun. Sự chủ quan, không điều trị kịp này dễ dẫn đến các biến chứng đáng tiếc.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng-nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, đa phần bệnh lý loét dạ dày, tá tràng thường chỉ gặp ở người lớn. Ở trẻ nhỏ có xu hướng mắc tăng khi đời sống hiện đại ngày nay.

Điều đáng nói là trẻ khi bị viêm loét dạ dày, tá tràng triệu chứng mơ hồ. Không như người lớn là đau âm ỉ, ợ chua, trẻ hay đau dữ dội. Biểu hiện này giống đau do giun chui ống mật và việc trẻ nhỏ không biết mô tả cơn đau thế nào dẫn tới việc nhiều bố mẹ nhầm với cơn đau do giun, dẫn tới trì hoãn đi khám. Có những trẻ vào viện khi đã có biến chứng xuất huyết dạ dày, loét sâu, thủng dạ dày, nguy hiểm hơn là hẹp môn vị khiến trẻ ăn vào lại nôn ra. Để điều trị, trẻ buộc phải phẫu thuật.

Bệnh chủ yếu từ thói quen ăn uống

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, mọi người thường nghĩ trẻ bị viêm dạ dày, tá tràng là do vi khuẩn H.Pylori (H.P) gây ra. Đúng là vi khuẩn này là yếu tố thuận lợi để giúp bệnh phát sinh song nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ tích tụ lâu ngày.

Trẻ em hiện nay do học tập quá nhiều dễ bị căng thẳng, stress. Nhiều cha mẹ vẫn giữ thói quen cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi để trẻ ăn nhanh, ăn nhiều hơn. Cộng với đó, ép trẻ ăn thật nhiều, lịch ăn kín mít khiến nhiều trẻ đến bữa là sợ, stress. Khi đó, trẻ có nguy cơ bị ợ, axít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Tình trạng này liên tục lặp lại dẫn tới viêm loét dạ dày. Cùng với đó, trẻ chơi vi tính nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn vội, sử dụng đồ uống có gas trong bữa cơm… Tất cả thói quen đó tạo thuận lợi cho bệnh việc gây bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ khi viêm loét dạ dày, tá tràng dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do sự hấp thu tiêu hóa không tốt, trẻ có tình trạng biếng ăn, ăn không ngon. Một khi trẻ phải cắt dạ dày sẽ hạn chế việc hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện như đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội nên đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Để đề phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần điều chỉnh lối sống lành mạnh, hợp lý. Hạn chế các thói quen xấu trên như để trẻ chơi đùa trong khi ăn, vừa ăn vừa xem tivi, để trẻ thức quá khuya. Cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày, giảm stress, căng thẳng trong học tập.

Ngoài ra, loại bỏ ngay những thói quen xấu lây nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP có thể lây qua hôn; qua nhai, mớm thức ăn cho trẻ, dùng chung đồ chứa đựng nước uống hay thức ăn với người mang vi khuẩn HP chưa được vệ sinh sạch sẽ. Đối với những gia đình bố mẹ có tiền sử bệnh dạ dày, nguy cơ trẻ mắc cao. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện, điều trị kịp thời.

Thuốc nào gây hôi miệng?

 

Thuốc nào cũng có hai mặt tác dụng. Một mặt có tác dụng trị liệu thì mặt kia lại có những tác dụng phụ. Trong những tác dụng phụ thì có một “món” rất dễ “mích lòng” vì không những gây khó chịu cho mình mà còn gây khó chịu cho người. Đó là tác dụng phụ gây ra hơi thở… dễ xa nhau khi sử dụng một số loại dược phẩm.

Những “thủ phạm” gây hôi miệng

Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhất khi sử dụng dược phẩm chính là do dược phẩm làm khô miệng (xerostomia). Có rất nhiều dược phẩm có tác dụng phụ làm giảm sự tiết nước bọt gây ra khô miệng. Do nước bọt có tính acid nhẹ nên có thể giảm đi số lượng các loại vi khuẩn gây hôi miệng. Khi thiếu nước bọt cũng như “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”, vi khuẩn gây hôi miệng thừa nước đục thả câu, quậy tới bến. Nước miếng cũng có tác dụng ôxy hóa miệng, làm cho hơi thở được trong lành một cách tự nhiên. Những người thường xuyên hút thuốc lá cũng bị chứng khô miệng.

Những dược phẩm thường gây khô miệng nhất là các thuốc kháng histamine, vì loại dược phẩm này sẽ “cấm vận” một số receptor tới não. Một số chế phẩm không cần toa bác sĩ có chứa cồn và hàm lượng cao đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Chất cồn làm khô miệng, chất đường làm thức ăn nuôi vi khuẩn và làm hơi thở càng có mùi khó chịu hơn. Thật là không may, trong khi uống rượu nhiều gây khô miệng và hôi miệng thì các loại thuốc trị nghiện rượu cũng sẽ gây hôi miệng, chẳng hạn một loại thuốc chống co giật là paraldehyde được dùng để trị nghiện rượu sẽ gây hôi miệng, hoặc là disulfiram cũng gây hơi thở có mùi khó chịu vì trong dược phẩm này chứa nhiều sulfur.

Nên giữ miệng đủ độ ướt để hạn chế mùi hơi thở nếu bạn đang sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây hôi miệng.

Một vài loại thuốc không cần toa bác sĩ khác dùng trong việc trị chứng trào ngược acid có chứa dimethyl sulfate do có chứa sulfur nên những loại dược phẩm có chứa dimethyl sulphate sẵn sàng gây hôi miệng cho người dùng.

Những loại dược phẩm khác gây khô miệng dẫn tới hôi miệng bao gồm các thuốc kháng trầm cảm, thuốc trị cao huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau loại narcotics, thuốc chống lo âu.

Với một “rừng” dược phẩm như hiện nay, từ loại thuốc phải kê toa tới các loại thuốc không cần kê toa, dược thảo… sẽ thật khó khăn cho người sử dụng nắm được các tác dụng phụ, vì vậy giải pháp tốt nhất chính là bác sĩ và dược sĩ – là những người sẽ tư vấn cho người sử dụng dược phẩm một cách an toàn và hiệu quả.

Những thuốc gây hôi miệng

Triamterene: Đây là một loại thuốc lợi tiểu dùng trị cao huyết áp và phù thũng, thuốc này có thể làm nước tiểu chuyển sang màu xanh nhạt.

Paraldehyde: Trị động kinh. Thông thường gan sẽ “rửa ráy” một phần paraldehyde cho máu, tuy nhiên những paraldehyde thoát khỏi gan (khoảng 30%) sẽ ngao du cơ thể rồi “di dân” tới phổi và được bài tiết qua phổi, làm cho bệnh nhân sử dụng loại dược phẩm này có một hơi thở cực kỳ… dễ xa nhau.

Disulfiram: Trị nghiện rượu nhưng lại gây khô miệng, hôi miệng.

Antihistamines: Các thuốc kháng histamines sẽ làm giảm sự tiết nước bọt gây khô miệng.

Nếu bạn sử dụng bất cứ dược phẩm gây khô miệng, tốt nhất là nên giữ miệng đủ độ ướt, chẳng hạn uống nước thường xuyên và tăng lượng nước so với lúc chưa dùng dược phẩm, nhai kẹo cao su không đường nhằm kích thích sự tiết nước bọt, tránh khô miệng.