Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo bệnh u não

Bị động kinh, vụng về tay chân, ghi nhớ kém, buồn nôn không nguyên nhân… là dấu hiệu cảnh báo có thể bạn có khối u não.

Theo bác sĩ Võ Doãn Tiến, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện quận Thủ Đức, u não có đủ hình dạng và kích cỡ. Triệu chứng cũng phụ thuộc vào vị trí của u, rất đa dạng.

Động kinh

Bất kể loại khối u là gì, co giật thường là một trong những dấu hiệu rắc rối đầu tiên. Kích thích từ khối u làm cho các tế bào thần kinh không kiểm soát được các dòng điện bắn ra và gây nên những cử động bất thường.

Giống như khối u, co giật có nhiều dạng. Bệnh nhân có thể bị co giật toàn thân, giật hoặc uốn cong giới hạn ở một chi hoặc một phần của khuôn mặt.

Vụng về

Nếu thấy mình vụng về trong việc sử dụng đồ vật, hoặc vật lộn với sự thăng bằng, sự loạng choạng trong dáng đi. Tay, chân hoặc bàn tay thiếu linh hoạt. Khó nói, nuốt hoặc thiếu kiểm soát biểu cảm khuôn mặt có thể là dấu hiệu của bệnh.

Bạn mất cảm giác ở một phần cơ thể hoặc khuôn mặt. Đặc biệt, nếu một khối u hình thành trên thân não, nơi kết nối với tủy sống, người bệnh thường bị mất cảm giác, gây tê bì, thiếu linh hoạt.

Thay đổi về trí nhớ hoặc suy nghĩ

Các khối u não có thể gây ra những thay đổi lớn trong hành vi hoặc tính cách của một người. Họ có nhiều khả năng gặp vấn đề trong việc ghi nhớ mọi thứ, cảm thấy bối rối hoặc chịu đựng kém trước những vấn đề cần phải suy nghĩ.

Buồn nôn

Khi cảm thấy buồn nôn, đặc biệt là nếu các triệu chứng đó kéo dài và không giải thích được, có thể là một dấu hiệu của một khối u.

Thay đổi tầm nhìn

Khối u có thể dẫn đến tầm nhìn mờ, nhìn đôi và mất thị lực. Người bệnh cũng có thể thấy các điểm nổi hoặc hình dạng khác nhau hoặc được gọi là “hào quang”.

Đau đầu

Đau đầu thường là dấu hiệu cua một khối u đã rất lớn, nhưng chúng thường không phải là một trong những triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Bác sĩ Tiến lưu ý phần lớn khối u não phát sinh ở những người không có yếu tố nguy cơ đã được cảnh báo. Trẻ em và người trên 60 tuổi có nhiều khả năng phát triển khối u hơn, nhưng mọi lứa tuổi đều vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Đối với các khối u lớn hoặc ác tính, phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, thuốc, xạ trị hoặc hóa trị.

“Không phải tất cả khối u não đều nghiêm trọng. Nhiều u nhỏ, lành tính, không cần điều trị, chỉ cần theo dõi sự tăng trưởng hoặc thay đổi của nó”, bác sĩ Tiến khẳng định.

Bác sĩ khuyến cáo, người có một số dấu hiệu trên, không nên tự suy diễn mình đã bị u não mà cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

 

Thư Anh – https://vnexpress.net/7-dau-hieu-canh-bao-u-nao-4225896.html

Những hiểu biết sai lầm về bệnh đột quỵ

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi, uống An Cung phòng bệnh là những hiểu biết sai lầm có thể làm mất đi cơ hội điều trị và phục hồi cho người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não. Trong đó, khoảng 5 triệu người tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu trường hợp tử vong.

Theo các bác sĩ, những hiểu biết sai về căn bệnh này cũng khiến người bệnh diễn biến nặng, mất đi cơ hội điều trị.

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở độ tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó…). Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu…

 

Uống An Cung phòng được đột quỵ

Thị trường đang lưu hành loại thuốc được quảng cáo có tác dụng dự phòng và điều trị rất tốt cho bệnh nhân đột quỵ là An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (viết tắt là An Cung). Dù giá rất đắt (từ 1-3 triệu đồng/hộp), nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua về sử dụng và yên tâm sẽ không mắc đột quỵ.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh, Phó khoa phụ trách khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội), cho biết: “An Cung không phải là thuốc dự phòng. Đây là thuốc điều trị nhưng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ”.

Theo chuyên gia này, đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là đột quỵ thiếu máu cục bộ não – chiếm khoảng 85%. Chúng xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Thể còn lại là đột quỵ chảy máu não, chiếm khoảng 15%. Trường hợp này xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong hoặc xung quanh não.

Khi đó, An Cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên – thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An Cung.

“Việc tự ý mua và cho người nhà đột quỵ dùng thuốc An Cung rất nguy hiểm. Người bệnh muốn dùng thuốc này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Minh khẳng định.

Ngoài ra, việc nhiều gia đình tự ý mua và cho người nhà bị tai biến uống An Cung là rất nguy hiểm. Bởi trường hợp người bệnh bị xuất huyết não, thuốc sẽ khiến tình trạng tăng nặng. Đồng thời, khi dùng thuốc, các gia đình thường có ý đợi chờ tác dụng của thuốc mà vô ý làm lỡ cơ hội “giờ vàng” điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ

Nhiều người thường lầm tưởng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Nếu chúng ta trì hoãn, cứ một phút, các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được. Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng này, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Khi bệnh nhân bị đột quỵ, động tác đầu tiên của chúng ta là đưa họ tới cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất. Các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc có thuật ngữ: “Time is brain” tức “thời gian là tế bào não”.

Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, bệnh nhân đến muộn làm giảm khả năng thành công và nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột, nói không rõ chữ…, bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

5 dấu hiệu để nhận biết cơn đau thần kinh tọa

Đau lưng là vấn đề sức khỏe hay gặp, đặc biệt với người già. Trong một số trường hợp, cơn đau lưng đó thật ra là đau thần kinh tọa. Khi đau thần kinh tọa, người bệnh cần phải được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Đau thần kinh tọa là cơn đau gây ra do dây thần kinh tọa bị tổn thương, chèn ép hay viêm

Để phân biệt giữa đau lưng thông thường với đau thần kinh tọa, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

1. Cơn đau lan xuống chân

Đau thần kinh tọa là cơn đau gây ra do dây thần kinh tọa bị tổn thương, chèn ép hay viêm, The Healthy dẫn lời phó giáo sư Robert Gotlin, chuyên gia chấn thương chỉnh hình tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (Mỹ).

Dây thần kinh tọa là một trong những dây thần kinh dài nhất của cơ thể, chạy từ lưng dưới xuống mông, chân đến bàn chân và các ngón chân. Do đó, một trong những điều khác biệt giữa đau lưng thông thường với đau thần kinh tọa là cơn đau sẽ lan xuống chân.

2. Đau ở một chân

Thông thường, đau thần kinh tọa chỉ xảy ra ở một chân. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh tọa bị tổn thương mà các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến cả hai chân.

Ví dụ, nếu cột sống bị chấn thương gây chèn ép dây thần kinh thì có thể bị đau cả hai chân. Nếu chấn thương tác động đến phần mông, chân ở một bên cơ thể thì cơn đau có thể chỉ xuất hiện bên đó.

3. Đau nặng hơn khi hắt hơi, ho, cười

Khi đau thần kinh tọa, bất kỳ hoạt động nào làm tăng áp lực lên dây thần kinh tọa đều có thể khiến cơn đau nặng hơn, ngay cả khi đó chỉ là những hoạt động rất nhỏ như hắt hơi, ho hay cười. Nếu là đau lưng thông thường thì hiện tượng này sẽ không xuất hiện.

Ngoài ra, ngồi lâu hay tư thế ngồi khi đại tiện cũng có thể tạo áp lực lên dây thần kinh tọa và làm cơn đau nặng hơn.

4. Hay để bóp tiền ở túi sau quần

Thói quen để bóp tiền, điện thoại ở tùi sau quần có thể gây chèn ép cơ hình lê, một nhóm cơ hẹp nằm sâu trong mông. Cơ hình lê lại nối liền với dây thần kinh tọa.

Qua thời gian, tình trạng này dẫn đến chèn ép dây thần kinh tọa và dẫn đến các triệu chứng của đau thần kinh tọa.

5. Đang bị thoát vị đĩa đệm

Đau thần kinh tọa thường được xem là một loại bệnh. Nhưng trong nhiều trường hợp, cơn đau này thật ra là triệu chứng của tình trạng dây thần kinh bị chèn ép hay chấn thương.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là bị thoát vị đĩa đệm. Người bệnh có thể bị thoát vị một hay nhiều đĩa đệm nằm dọc theo cột sống. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi vì qua thời gian, đĩa đệm cột sống sẽ bị lão hóa và dễ tổn thương hơn, theo The Healthy.

Cách nhận biết người bị đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ thường xảy ra nhanh, bất ngờ, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu không kịp thời cứu chữa.

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng y tế nghiêm trọng đe dọa tính mạng, xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn. Trên thế giới, số người tử vong do tai biến mạch máu não nhiều thứ 3, sau bệnh tim mạch và ung thư.

Theo quỹ NHS Trust của Anh, bệnh nhân đột quỵ càng được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao. Một trong yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội chữa trị cho người bị đột quỵ não là nhận biết sớm các triệu chứng cảnh báo.

Triệu chứng xuất hiện nhanh, bất ngờ

Nhận biết các cơn đột quỵ trong vòng 3 giờ kể từ khi triệu chứng khởi phát là chìa khóa tăng cơ hội sống sót của bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo chúng ta có thể nhận biết người bị tai biến mạch máu não thông qua nguyên tắc F.A.S.T.

Khuôn mặt (Face): Yêu cầu người đó mỉm cười. Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi – má mờ, mắt sụp. Một số bệnh nhân bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.

Cánh tay (Arm): Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên cao. Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay.

Lời nói (Speech): Biểu hiện thứ 3 của người bị đột quỵ đó là rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp. Do đó, chúng ta có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản.

Thời điểm (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

Các triệu chứng của tai biến mạch máu não thường đột ngột, tăng dần mức độ. Bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ, méo miệng, nói khó, tê bì, rối loạn cảm giác.

Một số người gặp tình trạng điển hình như đột ngột rối loạn thị giác ở một hay hai bên; khó đi, đứng, choáng váng, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp động tác; đau đầu không rõ nguyên nhân… Biểu hiện bệnh trong một số trường hợp diễn ra âm thầm, khó phát hiện. Nhiều trường hợp gặp tình trạng rối loạn ý thức.

NHS Trust lưu ý nếu bạn gặp một trong các triệu chứng trên, tuyệt đối không tự lái xe đến bệnh viện hoặc để người khác chở. Bệnh nhân cần được gọi hỗ trợ y tế và sơ – cấp cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nguyên nhân gây đột quỵ não

Giống các cơ quan khác, não cần oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động. Máu là bộ phận chịu trách nhiệm đưa oxy và chất dinh dưỡng lên não. Nếu nguồn cấp máu bị ức chế hoặc tạm ngừng, các tế bào não bắt đầu chết mòn. Điều này có thể dẫn đến chấn thương não, tàn tật, thậm chí tử vong.

Theo CDC Mỹ, 2 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ đó là thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Trong đó, thiếu máu cục bộ là nguyên do của 85% các trường hợp. Đây là trường hợp xảy ra khi các cục máu đông gây tắc động mạch, gián đoạn quá trình đưa máu lên não.

Nếu các mạch máu suy yếu, vỡ ra, rò rỉ và gây áp lực, tổn thương não, bệnh nhân sẽ bị đột quỵ do xuất huyết. Huyết áp cao và chứng phình động mạch là “thủ phạm” khiến nhiều người dễ đột quỵ do xuất huyết.

Nguyên nhân khác góp phần làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não là các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Nơi cấp máu lên não tạm thời bị gián đoạn, gây ra các cơn đột quỵ nhỏ kéo dài vài phút đến 24 giờ. TIA không gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngay khi nó xảy ra nhưng lâu dài, nó là dấu hiệu cảnh báo các cơn đột quỵ trong tương lai.

Các chuyên gia y tế cũng xác định một số bệnh làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Điển hình là xơ vữa mạch máu lớn; tắc mạch máu nhỏ trong não (thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường); hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim; các bệnh lý đông máu, tế bào máu và bẩm sinh của mạch máu…

Điều trị đột quỵ não như thế nào?

Kết quả của việc điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại bệnh người đó gặp phải và mức độ tổn thương não, nguyên nhân gây ra. Tai biến mạch máu não thường được điều trị bằng thuốc nhằm ngăn ngừa, làm tan cục máu đông, giảm huyết áp và mức cholesterol. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.

Những người bị tai biến thường gặp nhiều di chứng nghiêm trọng do tổn thương nặng ở não. Một số người khó hồi phục hoàn toàn như trước khi đổ bệnh và cần đến sự trợ giúp về lâu dài.

Các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp…, là yếu tố làm gia tăng nguy cơ tai biến. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên giữ chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và hạn chế bia, rượu, thuốc lá. Trong khẩu phần ăn, bạn nên thực hiện chế độ giảm chất béo, ít mặn, tinh bột, đường và tăng cường rau xanh. Mỗi ngày, chúng ta nên dành 30-45 phút tập thể thao.

Đột quỵ là bệnh có khả năng tái phát cao. Do đó, mỗi người cần chú ý những thay đổi của sức khỏe, thường xuyên kiểm tra cơ thể theo nguyên tắc F.A.S.T nhằm phát hiện bệnh kịp thời.