Ba cách giảm tải cho tim

Dinh dưỡng đủ chất, lành mạnh; vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày; giữ cho tinh thần lạc quan, cân bằng… góp phần giúp tim khỏe mạnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trần Linh, Hội Tim Mạch học Việt Nam cho biết tim quá tải là tình trạng trái tim phải chịu đựng nhiều áp lực, gánh nặng từ các thói quen nguy hại như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đời sống tinh thần và lối sống kém lành mạnh… Nếu không thay đổi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc cũng như cấu tạo, chức năng của tim và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Dưới đây là 3 cách giúp tim tránh nguy cơ bị quá tải.

Bắt đầu từ chế độ dinh dưỡng

Khi nhắc đến các bí quyết giúp giảm tải cho tim, không thể vắng mặt các khuyến nghị về dinh dưỡng, cụ thể là nguyên tắc “ba hạn chế, hai bổ sung”.

“Ba hạn chế” gồm: một là hạn chế ăn quá mặn, chỉ dưới 5 gram muối mỗi ngày; hai là hạn chế ăn nhiều đường từ bánh kẹo, nước ngọt, trà sữa, kem… năng lượng nên ít hơn 10% tổng năng lượng cả ngày; ba là hạn chế các thức ăn nhanh vì các món này chứa nhiều chất béo không tốt cho tim.

Không ăn quá mặn là một trong những nguyên tắc thuộc nhóm “ba hạn chế” để có trái tim khỏe mạnh. Ảnh: Shutterstock.

“Hai bổ sung” gồm: bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau quả, trái cây tươi, mỗi người ăn nhiều hơn 400 gram mỗi ngày, khoáng chất và các yếu tố vi lượng như kali, magne, kẽm, canxi…; ưu tiên lựa chọn nguyên liệu nấu nướng giàu acid béo có lợi cho tim mạch, các dưỡng chất chống oxy hóa để giúp hạn chế hấp thu cholesterol xấu.

Một số gợi ý có thể tham khảo như dầu gạo lứt sở hữu dưỡng chất Gamma-Oryzanol, dầu đậu nành giàu Omega 3-6-9, dầu hướng dương dồi dào hàm lượng vitamin E tự nhiên hay dầu hạt cải chứa nhiều chất béo không bão hòa…

Ngủ đủ 7 tiếng, luyện tập 30 phút mỗi ngày

Rượu, bia, thuốc lá là bộ ba gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng nhiều và thường xuyên, mọi người nên hạn chế, từ bỏ.

Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, mỗi tuần 3-4 lần, mỗi lần 30-60 phút với những môn thể thao như yoga, chạy bộ, bơi, đạp xe, đi bộ… Tập thể dục đều đặn có thể giúp tránh các bệnh lý tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Với dân công sở, có thể dễ dàng thực hiện bằng cách chủ động đi thang bộ thay vì thang máy hoặc cứ 30 phút ngồi thì thay đổi tư thế hay đứng lên tập một vài động tác nhẹ nhàng…

Chạy bộ 30 phút mỗi ngày là một trong những cách vận động, giúp tăng cường sức khỏe, phòng tránh nguy cơ tim quá tải hiệu quả.

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ cho biết cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm để giữ cơ thể khỏe mạnh vào ngày hôm sau. Song số liệu khảo sát lại ghi nhận đến 73% người tham gia không ngủ đủ giấc.

Thiếu ngủ là một trong những nguy cơ dẫn đến các vấn đề tim mạch như huyết áp, đột quỵ. Vì thế, trong trường hợp bất khả kháng phải thức khuya, thiếu ngủ, không nên chủ quan mà hãy tìm cách bù lại bằng những giấc ngủ ngắn giờ nghỉ trưa (20 phút) hay ngủ sớm hơn vào đêm hôm sau, ngủ bù vào cuối tuần (không quá hai tiếng).

Liệu pháp tinh thần

Stress không chỉ khiến bạn chịu áp lực về mặt tinh thần, cảm xúc mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, trong đó có tim mạch.

Thiền định, tập yoga, thư giãn cuối ngày bằng cách xem phim, nghe nhạc… là một vài gợi ý đơn giản giúp giảm tải cho tim.

Ngoài ra cũng cần lưu ý tránh để bản thân rơi vào tình trạng bị cô lập. Thay vào đó nên tìm cách mở lòng với mọi người, xã hội, từ đó có sự cân bằng giữa nội tâm và cuộc sống bên ngoài. Cảm giác cô đơn và đóng cửa lòng cũng là một trong những nguyên nhân khiến tim quá tải cả về chức năng sinh học lẫn chức năng cảm xúc.

Tim quá tải tuy ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, song không quá khó để có thể kiểm soát, miễn là bạn thật sự quan tâm đến trái tim mình và chủ động áp dụng các bí quyết giảm tải cho tim cả về dinh dưỡng, lối sống lẫn tinh thần. Và điều quan trọng nhất cần nhớ là phải duy trì cho đến khi các bí quyết này trở thành thói quen của chính bạn.

Bé trai nguy kịch vì viêm cơ tim cấp

 

Căn bệnh viêm cơ tim cấp khiến bệnh nhi suy đa tạng, sự sống phụ thuộc vào máy móc và thuốc.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.Saigon thông tin, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho bé trai Nguyễn Văn Thêm, 12 tuổi, ngụ Bến Tre bị viêm cơ tim cấp, biến chứng nặng.

Giữa tháng 8, Thêm bị sốt và đau ngực khi đang nghỉ hè ở nhà cùng bà ngoại. Bà đưa em đi khám tư, bác sĩ kê thuốc điều trị nhiễm siêu vi và viêm phế quản về uống. Bệnh chưa kịp đỡ thì bốn ngày sau, em nôn ói, da xanh tái, ngất lịm ngay tại nhà.

Tại bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim và rối loạn nhịp tim phức tạp. Để đảm bảo tính mạng, Thêm được chuyển tức tốc lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong đêm. Vừa nhập viện, các bác sĩ phải cấy máy tạo nhịp tim khẩn cấp cho em. Nửa tháng qua, Thêm nằm tại Khoa Hồi sức tích cực, sức khỏe rất yếu. Các tạng tim, gan, thận, phổi đều bị ảnh hưởng chức năng nặng nề. Các bác sĩ tiến hành các kỹ thuật lọc máu, chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể), sốc điện cùng nhiều loại nhiều thuốc vận mạch, chống loạn nhịp, an thần, kháng sinh… để bảo tồn chức năng tạng, duy trì sự sống cho em.

Đến nay, gan và thận của bệnh nhi đã hồi phục khả quan. Các tín hiệu sống mạnh mẽ hơn hẳn thời điểm em nhập viện. Song trái tim vẫn đang cần tiếp tục điều trị tích cực bằng nhiều loại thuốc. Bà Nguyễn Thị Nguyễn, bà ngoại của Thêm, chia sẻ một người cậu ruột của em cũng bị bệnh tim, còn mẹ em đã qua đời khi em 5 tuổi. Nhìn cháu nằm bất động trên giường bệnh với nhiều máy móc, dây dợ chằng chịt, bà rất lo sợ.

“Tôi chỉ mong các bác sĩ cố gắng hết sức, đừng buông bỏ, đừng để cháu nó về dưới đoàn tụ với mẹ nó sớm quá”, bà khóc nói.

Một bác sĩ điều trị cho Thêm tâm sự, lời nói của bà như “bóp nghẹn trái tim” bác sĩ – những người chưa bao giờ có ý nghĩ đầu hàng bất cứ trường hợp nguy kịch nào phải nhập viện. Mặc dù vậy, chi phí điều trị cho em rất tốn kém, có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Các bác sĩ vừa tập trung điều trị, vừa quyên góp hỗ trợ cậu bé mồ côi.