Một số điểm cần biết về tình trạng tăng mỡ máu

Bài viết được viết bởi Bác sĩ cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt – Trưởng đơn nguyên khám bệnh, Khoa khám bệnh và Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thường có nhiều nguyên nhân gây nên tăng mỡ máu, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu.

Thông thường nhóm thành lập lên mỡ máu bao gồm các thành phần chính sau:

  • Cholesterol toàn phần, bình thường < 5.2 mmol/L.
  • Triglycerid bình thường < 1,7 mmol/L.
  • LDL (Low Density Lipoprotein) – Cholesterol (loại cholesterol xấu), bình thường < 3.4 mmol/L.
  • HDL (High Density Lipoprotein) – Cholesterol (loại cholesterol tốt), bình thường > 1,03 mmol/L.

Thường mỡ máu cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp cho sự phát triển của tế bào trong cơ thể con người.

1. Tăng mỡ máu là tình trạng như thế nào?

Là tình trạng loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipid máu, hay máu nhiễm mỡ, là khi có một hoặc nhiều trong số các thành phần sau trong máu bị thay đổi:

  • Cholesterol toàn phần tăng hơn bình thường.

Rối loạn mỡ máu có nguy cơ mắc bệnh mạch vành

 

  • Triglycerid tăng hơn bình thường.
  • LDL (Low Density Lipoprotein) – Cholesterol tăng hơn bình thường.
  • HDL (High Density Lipoprotein) – Cholesterol giảm hơn bình thường.

Mỡ máu trong cơ thể con người được hình thành bởi 2 nguồn:

  • Tự cơ thể sản xuất ra và thay đổi theo tuổi.
  • Nguồn cung cấp từ ngoài vào như qua thức ăn giàu mỡ, hoặc một số thuốc hay chất nào đó gây tăng mỡ máu.

Rối loạn mỡ máu có thể dẫn tới các vấn đề tim mạch như bệnh mạch vànhtăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,… và hàng loạt vấn đề ở các cơ quan khác có thể tử vong.

Có thể điểm lại một số nguyên nhân xuất phát từ lối sống gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ:

  • Lười vận động, thừa cân, béo phì.
  • Hút thuốc lá. Uống rượu bia.
  • Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.
  • Một nguyên nhân khác quan trọng đó là do di truyền: đây là một nguyên nhân liên quan đến vấn đề gen và đột biến. Nguyên nhân này gây nên các vấn đề trong chuyển hoá cholesterol, nhất là nhóm LDL.

Ngoài ra các nguyên nhân khác cũng tác động vào quá trình làm tăng mỡ máu như biến chứng của các bệnh: đái tháo đường, suy thận, suy gan, bệnh nhiễm trùng, hội chứng Cushingviêm ruột,…

Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc lợi niệu, thuốc an thần,… cũng có nguy cơ làm rối loạn chuyển hóa lipid, tăng lượng mỡ trong máu.

2. Hậu quả của nó ra sao?

Xơ vữa động mạch

Vấn đề được người bệnh quan tâm nhất là, mỡ máu cao ảnh hưởng gì tới cơ thể, và mỡ máu có nguy hiểm không. Thực tế, mỡ là nguồn cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể, vậy nên mỡ là chất rất cần thiết. Nếu lượng mỡ trong máu ở mức bình thường, không gây hại cho cơ thể. Chỉ khi lượng mỡ trong máu cao, rối loạn mỡ máu mới gây ra các biến chứng sau:

  • Xơ vữa động mạch là biến chứng thường gặp nhất. Khi có quá nhiều Cholesterol “xấu” trong máu, nó sẽ từ từ lắng đọng vào thành các mạch máu. Cùng với một số chất khác, nó hình thành mảng xơ vữa động mạch.

Hậu quả gây ra:

+ Các mảng xơ vữa làm lòng mạch bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn một cách từ từ. Lòng mạch máu bị hẹp dẫn đến giảm lượng máu nuôi dưỡng cơ quan mạn tính, có thể gây suy tim, thiếu máu não, đặc biệt là nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng con người…

+ Các mảng xơ vữa bong ra và theo dòng máu tới các cơ quan, gây tắc mạch máu ở các cơ quan này. Nếu tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim. Tắc mạch não gây nhồi máu não (đột quỵ não), đây là nguyên nhân gây tử vong đột ngột, nhanh chóng. hoặc tắc mạch chi, mạch tạng….

Triglycerid tăng cao dẫn tới gan nhiễm mỡ. Về lâu dài, gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển thành viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Triglycerid tăng cao trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Triglyceride quá cao, trên 11,3mmol/L có thể gây viêm tụy cấptụy hoại tử. Đây là bệnh điều trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao.

3. Phòng tránh và khống chế nó như thế nào?

Sử dụng thuốc hạ mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ

 

Khi bạn đã được bác sĩ chẩn đoán tăng mỡ máu, bạn muốn khống chế nó và phòng tránh những biến chứng của bệnh này, điều quan trọng là thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc hạ mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ. Bạn nên cần tuân thủ như sau:

  • Điều quan trọng hàng đầu là điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt. Cần tránh hoặc giảm ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật (gan, lòng, dồi…), các loại pho-mai, sữa nguyên kem… Tăng cường ăn hoa quả tươi, rau, và các loại ngũ cốc. Lượng tinh bột chiếm khoảng 55 – 60 % khẩu phần. Chế độ ăn này cần được duy trì thường xuyên trong thời gian dài.
  • Với những bệnh nhân thừa cân, béo phì cần giảm cân nặng bằng cách giảm khẩu phần ăn hàng ngày, và tập thể dục. Tăng cường luyện tập thể lực hợp lý, hoặc đi bộ, vận động ít nhất 40 phút/ngày đều đặn hàng ngày, để giảm cân sao cho BMI đạt từ 18.5 – 23 kg/m2.
  • Tập thể dục hàng ngày giúp giảm cân nặng, tiêu hao lượng mỡ thừa trong cơ thể, giúp bệnh nhân yêu đời,vui vẻ hơn. Tập thể dục còn giúp giảm lượng Cholesterol “xấu” và làm tăng lượng Cholesterol “tốt”. Điều này vô cùng có lợi cho bệnh nhân rối loạn mỡ máu.
  • Nên bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu vì nó ảnh hưởng xấu tới tình trạng rối loạn mỡ máu và gây hại tới các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Cần tuân thủ điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự ý tăng liều thuốc hoặc bỏ uống thuốc. Điều trị rối loạn mỡ máu cần kiên trì trong thời gian dài. Ngay cả khi có dùng thuốc, người bệnh cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt.
  • Cần báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường, khó chịu nào trong khi đang dùng thuốc. Bởi thuốc điều trị rối loạn mỡ máu cũng có những tác dụng không mong muốn, mặc dù tỷ lệ hiếm.
  • Người bệnh nên theo dõi chỉ số mỡ máu thường xuyên, khoảng 6-8 tuần một lần. Nên khám định kỳ để kịp thời phát hiện các biến chứng của bệnh và điều trị sớm.
  • Nên tránh căng thẳng, tránh các suy nghĩ bi quan. Một thái độ sống thoải mái, vui vẻ, lạc quan góp phần rất lớn vào điều trị bệnh.

4. Khi được chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu

Thuốc simvastatin (zocor) thuộc nhóm statin

Thông thường bạn hay được bác sĩ cho dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin ( Crestor, Lipitor..), hay fibrate (Lipanthyl..):

  • Thuốc ức chế men HMG-CoA reductase (nhóm statin): Bao gồm simvastatin (zocor), lovastatin, pravastatin, fluvastatin, atorvastatin (lipitor). Các thuốc này ức chế hoạt hóa men HMG-CoA Reductase làm giảm hoạt động tổng hợp cholesterol trong tế bào gan và tăng hoạt hóa thụ thể LDL, do đó làm giảm LDL-C trong máu. Tuy nhiên khi dùng thuốc người bệnh có thể gặp: khó tiêu, ỉa chảy, táo bón, buồn nôn, đau bụng, đau đầu, mất ngủ. Không nên dùng statin cho bệnh nhân bị bệnh gan đang tiến triển, đau cơ, viêm đa cơ

Chú ý: hiện nay thuốc liprobay (cerivastatin) đã phải rút khỏi thị trường do tác dụng phụ nguy hiểm gây tiêu cơ vân khi dùng cùng với các fibrat.

  • Các dẫn xuất fibrat (acid fibric): Bao gồm gemfibrozil (lopid), clofibrat (lipavlon), fenofibrat (lipanthyl, tricor), bezafibrat (benzalip). Tác dụng phụ có thể gặp là sưng phù mặt, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, mẩn ngứa…

Bạn cần chú ý tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, sau khi dùng được 1 tháng đầu tiên cần phải đi kiểm tra lại đặc biệt kiểm tra xem cá ảnh hưởng về gan và cơ vân không? Trong thời gian uống thuốc nếu thấy bất thường cần ngừng thuốc và thông báo lại cho bác sỹ biết