Căn bệnh ung thư cả nhà mắc: Chuyên gia cảnh báo triệu chứng

Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư phổ biến hiện nay và có nhiều trường hợp cả hai vợ chồng, hai chị em, thậm chí 3 mẹ con cùng mắc bệnh này.

Nhiều người cùng mắc trong gia đình

GS Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết thời gian gần đây số ca mắc ung thư tuyến giáp vào bệnh viện điều trị ngày càng tăng trong đó có nhiều bệnh nhân phát hiện khi tình cờ đi khám bệnh.

Ví dụ trường hợp của hai vợ chồng anh B.Đ.L (47 tuổi, Phú Thọ) đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Qua khám bác sĩ phát hiện cả hai vợ chồng đều có u tuyến giáp. Kết quả chọc sinh thiết có tế bào ác tính.

Vợ chồng anh L. sau đó đã đi khám kiểm tra chéo kết quả ở đơn vị y tế khác. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp bướu keo. Vợ chồng anh L. cùng vào viện và điều trị ung thư tuyến giáp bằng phẫu thuật và i ốt phóng xạ.

Em N.N.V và N.N.A 18 tuổi, trú tại Hà Nội, là hai chị em sinh đôi. N.A có biểu hiện nuốt nghẹn, có bướu ở cổ. Em được mẹ đưa đi khám bệnh và được chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Bác sĩ tư vấn nên sàng lọc tuyến giáp với các thành viên khác. Kết quả, em N.V em gái của N. A cũng bị ung thư tuyến giáp. Hai chị em đã vào viện điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Trường hợp của N.T.H.T, 32 tuổi, trú tại Hà Nội, cũng nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai vì khám sức khỏe tình cờ phát hiện u tuyến giáp. Kết quả xét nghiệm tế bào học tuyến giáp là ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân được nhập viện để điều trị.

Sau khi chị T. phẫu thuật và điều trị, mẹ và em trai của bệnh nhân cũng đã đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai và cũng phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú khi chưa có các biểu hiện bất thường về mặt lâm sàng.

GS Mai Trọng Khoa cho biết, qua trường hợp này nói lên sự tiến triển của ung thư tuyến giáp thường rất âm thầm, các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, đôi khi phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe.

Việc gia đình đã có người bị ung thư tuyến giáp thì các thành viên còn lại nên khám kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ tầm soát phát hiện sớm bệnh. Bệnh sau khi được điều trị kịp thời thường có tiên lượng tốt, việc đánh giá lại hiệu quả của điều trị I-131 bằng sử dụng xạ hình toàn thân với I-131, Tg và AntiTg sau điều trị là rất quan trọng.

BS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân.

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, Bệnh viện Đa khoa An Việt, ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp trong các bệnh ung thư của tuyến nội tiết, bệnh chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung.

Theo số liệu của GLOBOCAN 2018, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao, theo thống kê bệnh đứng hàng thứ 9 với 5.418 ca mới mắc, 528 ca tử vong mỗi năm. Ung thư tuyến giáp được chia làm hai nhóm mô bệnh học khác nhau về lâm sàng, phương pháp điều trị và tiên lượng là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.

PGS An cho biết ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, thường được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát.

Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là có khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt, người bệnh bị khàn tiếng, khó thở. Thêm triệu chứng nữa đó là có thể nổi hạch cổ, hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

PGS An lưu ý khi đứng trước gương mọi người cũng có thể nhìn thấy các dấu hiệu của ung thư tuyến giáp. Ví dụ, với đàn ông thường phát hiện khối u khi cạo râu, phụ nữ có thể nhận ra sự thay đổi ở cổ khi trang điểm. Nếu phát hiện có một khối u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu thì có thể theo dõi thêm. Nếu khi nuốt nước bọt, khối u di chuyển lên xuống có thể là lành tính còn các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt.

Để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp, PGS An khuyến cáo người dân nên có thói quen kiểm tra sức khoẻ và siêu âm tuyến giáp định kỳ hàng năm để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp. Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp thì việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn, người bệnh có cơ hội khỏi bệnh tới 95 %.

Các tin khác