Cách nhận biết người bị đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ thường xảy ra nhanh, bất ngờ, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu không kịp thời cứu chữa.

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng y tế nghiêm trọng đe dọa tính mạng, xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn. Trên thế giới, số người tử vong do tai biến mạch máu não nhiều thứ 3, sau bệnh tim mạch và ung thư.

Theo quỹ NHS Trust của Anh, bệnh nhân đột quỵ càng được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao. Một trong yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội chữa trị cho người bị đột quỵ não là nhận biết sớm các triệu chứng cảnh báo.

Triệu chứng xuất hiện nhanh, bất ngờ

Nhận biết các cơn đột quỵ trong vòng 3 giờ kể từ khi triệu chứng khởi phát là chìa khóa tăng cơ hội sống sót của bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo chúng ta có thể nhận biết người bị tai biến mạch máu não thông qua nguyên tắc F.A.S.T.

Khuôn mặt (Face): Yêu cầu người đó mỉm cười. Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi – má mờ, mắt sụp. Một số bệnh nhân bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.

Cánh tay (Arm): Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên cao. Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay.

Lời nói (Speech): Biểu hiện thứ 3 của người bị đột quỵ đó là rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp. Do đó, chúng ta có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản.

Thời điểm (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

Các triệu chứng của tai biến mạch máu não thường đột ngột, tăng dần mức độ. Bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ, méo miệng, nói khó, tê bì, rối loạn cảm giác.

Một số người gặp tình trạng điển hình như đột ngột rối loạn thị giác ở một hay hai bên; khó đi, đứng, choáng váng, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp động tác; đau đầu không rõ nguyên nhân… Biểu hiện bệnh trong một số trường hợp diễn ra âm thầm, khó phát hiện. Nhiều trường hợp gặp tình trạng rối loạn ý thức.

NHS Trust lưu ý nếu bạn gặp một trong các triệu chứng trên, tuyệt đối không tự lái xe đến bệnh viện hoặc để người khác chở. Bệnh nhân cần được gọi hỗ trợ y tế và sơ – cấp cứu theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nguyên nhân gây đột quỵ não

Giống các cơ quan khác, não cần oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động. Máu là bộ phận chịu trách nhiệm đưa oxy và chất dinh dưỡng lên não. Nếu nguồn cấp máu bị ức chế hoặc tạm ngừng, các tế bào não bắt đầu chết mòn. Điều này có thể dẫn đến chấn thương não, tàn tật, thậm chí tử vong.

Theo CDC Mỹ, 2 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ đó là thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Trong đó, thiếu máu cục bộ là nguyên do của 85% các trường hợp. Đây là trường hợp xảy ra khi các cục máu đông gây tắc động mạch, gián đoạn quá trình đưa máu lên não.

Nếu các mạch máu suy yếu, vỡ ra, rò rỉ và gây áp lực, tổn thương não, bệnh nhân sẽ bị đột quỵ do xuất huyết. Huyết áp cao và chứng phình động mạch là “thủ phạm” khiến nhiều người dễ đột quỵ do xuất huyết.

Nguyên nhân khác góp phần làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não là các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Nơi cấp máu lên não tạm thời bị gián đoạn, gây ra các cơn đột quỵ nhỏ kéo dài vài phút đến 24 giờ. TIA không gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngay khi nó xảy ra nhưng lâu dài, nó là dấu hiệu cảnh báo các cơn đột quỵ trong tương lai.

Các chuyên gia y tế cũng xác định một số bệnh làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Điển hình là xơ vữa mạch máu lớn; tắc mạch máu nhỏ trong não (thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường); hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim; các bệnh lý đông máu, tế bào máu và bẩm sinh của mạch máu…

Điều trị đột quỵ não như thế nào?

Kết quả của việc điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại bệnh người đó gặp phải và mức độ tổn thương não, nguyên nhân gây ra. Tai biến mạch máu não thường được điều trị bằng thuốc nhằm ngăn ngừa, làm tan cục máu đông, giảm huyết áp và mức cholesterol. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.

Những người bị tai biến thường gặp nhiều di chứng nghiêm trọng do tổn thương nặng ở não. Một số người khó hồi phục hoàn toàn như trước khi đổ bệnh và cần đến sự trợ giúp về lâu dài.

Các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp…, là yếu tố làm gia tăng nguy cơ tai biến. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên giữ chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và hạn chế bia, rượu, thuốc lá. Trong khẩu phần ăn, bạn nên thực hiện chế độ giảm chất béo, ít mặn, tinh bột, đường và tăng cường rau xanh. Mỗi ngày, chúng ta nên dành 30-45 phút tập thể thao.

Đột quỵ là bệnh có khả năng tái phát cao. Do đó, mỗi người cần chú ý những thay đổi của sức khỏe, thường xuyên kiểm tra cơ thể theo nguyên tắc F.A.S.T nhằm phát hiện bệnh kịp thời.

Các tin khác